BỆNH VIỆN THẬN HÀ NỘI
BỆNH VIỆN THẬN HÀ NỘI
SỎI ĐƯỜNG TIẾT NIỆU
Sỏi đường tiết niệu là sỏi được hình thành và cư trú tại hệ tiết niệu, triệu chứng xuất hiện ở nhiều mức độ, từ đau quặn quại cho đến đau tức hông lưng âm ỉ, một số trường hợp không triệu chứng, chính sự đa dạng về triệu chứng khiến người bệnh chủ quan gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng thận, và chất lượng sống của người bệnh.
Để hiểu rõ được bệnh lý sỏi đường tiết niệu trước tiên chúng ta cần hiểu cơ quan tiết niệu gồm những thành phần gì? Sau đó chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân hình thành sỏi? Tại sao người này có sỏi người kia thì không??
Thành phần đầu tiên của hệ tiết niệu là THẬN. Mỗi người có hai quả thận nằm ở sát phía lưng và hai bên của cột sống. Thận có chức năng lọc máu để bài tiết ra nước tiểu. Nước tiểu cùng các chất độc được thận lọc khỏi cơ thể được góp chung vào các nhóm đài rồi đổ vào một nơi hợp lưu nước tiểu được gọi là BỂ THẬN.
NIỆU QUẢN được ví như đường cống thoát nước, dẫn nước tiểu từ bể thận xuống BÀNG QUANG– là nơi chứa đựng nước tiểu. Ở người bình thường, sau khoảng thời gian 2,5 đến 3 tiếng bàng quang sẽ đầy (chứa khoảng 300ml nước tiểu) thì bàng quang sẽ co bóp để tống nước tiểu ra ngoài thông qua NIỆU ĐẠO. => Vậy viên sỏi được hình thành và cư trú tại bất kỳ đâu trên hệ tiết niệu được gọi là SỎI ĐƯỜNG TIẾT NIỆU. Dựa vào vị trí của sỏi trên đường tiết niệu mà chia ra thành các nhóm khác nhau: 1. Sỏi thận. 2. Sỏi niệu quản. 3. Sỏi bàng quang. 4. Sỏi niệu đạo. |
Có nhiều học thuyết được đưa ra để lý giải cho việc hình thành sỏi ở hệ tiết niệu như thuyết keo tinh thể, thuyết nhiễm khuẩn…. Trong số đố, thuyết “bão hòa quá mức” và thuyết ” hạt nhân” được nhiều tác giả, cũng như bác sĩ lâm sàng ủng hộ.
Bạn cho một lượng muối ăn vào một cốc nước lọc, dùng thìa khuấy đều cho lượng muối tan hoàn toàn trong nước. Sau một khoảng thời gian nhất định, các tinh thể muối lại đọng lại dưới đáy cốc.
Thuyết “bão hòa quá mức” cũng như vậy. Trong nước tiểu không đơn thuần chỉ có nước mà còn có nhiều thành phần khác được đào thải khỏi cơ thể dưới dạng chất hòa tan, mà mắt thường không thể nhìn thấy. Với nồng độ các chất hòa tan này cao, vượt ngưỡng nhất định thì các chất hòa tan này sẽ được cô đặc lại… và viên sỏi được hình thành. Cứ như vậy, trải qua thời gian, viên sỏi ngày càng to dần và được phát hiện bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao con trai lại sản xuất được ra viên ngọc trai? Đó là hiện tượng xà cừ hóa một dị vật mà con trai nuốt vào. Dị vật đó thông thường là hạt cát. Bị kích thích bởi dị vật này, con trai tạo ra một lớp xà cừ bao bọc lấy hạt cát xâm nhập đó. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều năm và tạo ra viên ngọc.
Thuyết “hạt nhân” cũng dựa trên nguyên tắc bồi tụ giống như ví dụ trên. Khác là dị vật ở đây là xác vi khuẩn, là xác của các tế bào biểu mô đường tiết niệu, tế bào thoái hóa, tế bào mủ, tổ chức hoại tử, khối máu giáng hóa, hoặc là các dị vật bị bỏ sót trong quá trình phẫu thuật,… Trải qua thời gian, các chất lắng đọng lại và kết tinh trên các dị vật này, và to dần lên hình thành lên viên sỏi thực sự.
III. Sinh lý bệnh học sỏi đường tiết niệu.
Sỏi gây tổn thương trên hệ tiết niệu theo 3 cơ chế cơ bản:
– Cơ chế tắc nghẽn: Để đảm bảo chức năng sinh lý của quả thận thì đường dẫn nước tiểu phải thông thoáng hoàn toàn từ trên xuống dưới. Khi có sỏi tiết niệu tức là có tắc nghẽn của đường dẫn nước tiểu vì sỏi sẽ làm hẹp lòng ống dẫn.
Tùy theo kích thước sỏi, và vị trí của sỏi trên đường tiết niệu mà gây nên tắc nghẽn hoàn toàn hay một phần (giống như tắc cống). Nước trên thận không được thoát ra mà ứ lại tại thận, làm cho nhu mô thận giãn mỏng dần, dung tích đài bể thận tăng lên, nhu mô thận bị teo đét, xơ hoá và thận dần bị mất chức năng.
– Cơ chế cọ sát: Sỏi thận, sỏi niệu quản nhất là sỏi cứng, gai góc có thể gây cọ sát, làm rách xước niêm mạc đài bể thận, niệu quản gây chảy máu trong hệ tiết niệu. Thương tổn tổ chức một mặt tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn niệu phát triển, mặt khác làm cho quá trình phát triển xơ hoá ở nhu mô thận và ở thành ống dẫn niệu. Kết quả cuối cùng làm hẹp dần đường dẫn niệu, làm nặng thêm tình trạng bế tắc.
– Cơ chế nhiễm khuẩn: Sự tắc nghẽn đường niệu là những yếu tố thuận lợi để phát triển nhiễm khuẩn niệu, nhiễm khuẩn niệu gây phù nề, chợt loét niêm mạc đài bể thận, dần dẫn đến xơ hoá tổ chức khe thận, chèn ép mạch máu và ống thận làm thận mất dần chức năng. Ngoài ra, quá trình viêm nhiễm tại thận sẽ gây nên tình trạng áp xe thận hay tình trạng ứ mủ thận. Đó là một biến chứng cực kì nguy hiểm, cỏ thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết và tử vong cho người bệnh.
Có nhiều cách phân loại sỏi đường tiết niệu. Có hai phương pháp phân loại sỏi chính:
Đây là cách phân loại quan trọng nhất, hay được ứng dụng trong lâm sàng, vì dựa vào cách phân loại này có thể đưa ra chỉ định điều trị phù hợp.
*Vị trí của sỏi
SỎI THẬN | SỎI NIỆU QUẢN | SỎI BÀNG QUANG | SỎI NIỆU ĐẠO |
Bao gồm sỏi bể thận, sỏi đài thận, sỏi nhóm đài thận. | Bao gồm ba nhóm nhỏ: Sỏi niệu quản 1/3 trên, 1/3 giữa, 1/3 dưới. | Hình thái thường tròn như viên bi. | Là một cấp cứu, gây bí tiểu cấp và là nguyên nhân gây suy thận cấp. |
*Số lượng sỏi: Không hạn định có thể từ một viên đơn độc ở niệu quản đến hàng trăm viên trên thận.
*Kích thước sỏi: Thay đổi tuỳ theo vị trí của sỏi trên đường tiết niệu. Kích thước có thể thay đổi từ vài mm đến vài chục mm.
*Hình dạng sỏi: Rất đa dạng có một số hình dạng đặc biệt như
– Sỏi thận: hình sỏi san hô là sỏi có ít nhất hai cành lồi vào các nhóm đài, hình mỏ vẹt khi chỉ có một cành hoặc thuôn xuống khúc nối bể thận niệu quản.
– Sỏi bàng quang thường tròn vo như viên bi.
– Sỏi niệu quản thường thuôn dài, nhẵn hoặc xù xì gai góc.
Sỏi vô cơ | Sỏi hữu cơ |
– Sỏi oxalat canxi: hay gặp mầu đen, gai góc cản quang rõ.
– Sỏi photphat canxi: có mầu vàng nhạt hoặc trắng bẩn, dễ vỡ. – Sỏi cacbonat canxi: có mầu trắng như mầu phấn, mềm dễ vỡ. |
– Sỏi urat: mầu trắng gạch cua, có thể không cản quang mềm và hay tái phát.
– Sỏi systin: nhẵn, mầu vàng nhạt, mền hay tái phát. – Sỏi struvic: (amonium magnéium-phosphat) mầu vàng trắng, thường do nhiễm khuẩn đường niệu loại vi khuẩn Proteus. |
Dịch tễ học cho thấy người Việt Nam gặp chủ yếu là sỏi vô cơ trong đó sỏi oxalat canxi chiếm > 80%, sỏi thường tồn tại dưới dạng hỗn hợp đan xen giữa các thành phần hoá học.
Tài liệu tham khảo
Bản quyền 2024 © thuộc về Bệnh Viện Thận Hà Nội