Trang chủ / PHẪU THUẬT TẠO CẦU NỐI THÔNG ĐỘNG TĨNH MẠCH – AVF PHỤC VỤ CHẠY THẬN NHÂN TẠO

PHẪU THUẬT TẠO CẦU NỐI THÔNG ĐỘNG TĨNH MẠCH – AVF PHỤC VỤ CHẠY THẬN NHÂN TẠO

  1. Đại cương

Bệnh thận mạn giai đoạn cuối hay còn gọi là suy thận mạn tính. Là tình trạng thận bị hỏng, chức năng thận không còn đảm bảo việc đào thải chất độc để duy trì chức năng sống. Do đó, bệnh nhân cần phải thực hiện phương pháp điều trị thay thế thận để duy trì sức khỏe và kéo dài thời gian sống.

Một trong các phương pháp điều trị thay thế thận là “lọc máu chu kì bằng máy thận nhân tạo” hay thường gọi là “chạy thận nhân tạo”. Đây là phương pháp điều trị thay thế thận được áp dụng phổ biến hiện nay với nhiều ưu điểm: “thay thế hoàn toàn chức năng thận, chi phí hợp lý,…”

Để có thể lọc máu bằng máy chạy thận, điều kiện tiên quyết bệnh nhân phải có đường lấy máu ra và vào cơ thể. “CẦU TAY” hay Cầu nối thông động tĩnh mạch – AVF (Arteriovenous Fistula) là một trong những đường lấy máu phổ biến trong thận nhân tạo. Bài viết này, sẽ mang đến cho bạn những khái niệm và kiến thức cơ bản, cũng như cách hoạt động của “Cầu tay”.

 

  1. Cầu tay
  2. Cầu tay là gì. Chức năng của cầu tay.

Một cái cầu (đường tắt) nối liền động mạch và tĩnh mạch dưới da ở tay gọi là CẦU TAY. Thông qua cái cầu này, dòng máu từ động mạch chảy thẳng vào tĩnh mạch dưới da, cung cấp lượng máu cần thiết để đưa ra khỏi cơ thể và được lọc bằng máy chạy thận.

Vì là điều kiện tiên quyết đảm bảo sống còn nên cầu tay được chỉ định ở những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lựa chọn lọc máu chu kì bằng máy chạy thận nhân tạo. Do cần thời gian để trưởng thành (tĩnh mạch giãn đủ lớn cung cấp đủ lưu lượng cho lọc máu) thông thường là 1 tháng, vậy nên thời điểm thích hợp nhất để tạo cầu nối AVF là 2 đến 4 tháng trước khi bệnh nhân đi vào lọc máu chu kì.

  1. Tiêu chí lựa chọn tĩnh mạch và động mạch và vị trí tạo cầu nối động tĩnh mạch AVF.

– Để đảm bảo kỹ thuật thành công, cầu tay có thể trưởng thành phục vụ chạy thận cần khám lâm sàng tỉ mỷ và lựa chọn kĩ càng mạch máu để tạo cầu nối. Đối với bệnh nhân không có tiền sử tiểu đường, tuổi trẻ, không có xơ vữa mạch máu điều kiện cần thiết là đường kính tĩnh mạch >2.0mm, đường kính động mạch >1.6mm, lưu lượng động mạch > 200ml/phút. Đối với người già, tiểu đường và xơ vữa mạch máu những tiêu chí kể trên ngặt nghèo hơn.

 

 

– Vị trí: ưu tiên chọn tay không thuận.

+ Ưu tiên 1: TM đầu-ĐM quay (cổ tay).

+ Ưu tiên 2: TM đầu-ĐM cánh tay (khuỷu).

+ Ưu tiên 3: TM nền-ĐM trụ (cổ tay).

+ Ưu tiên 4: TM nền-ĐM cánh tay (trải qua phẫu thuật hai thì, thì 1 tạo cầu nối, thì 2 làm nống tĩnh mạch)

+ Ưu tiên 5: Ghép TM tự thân ( lấy TM hiển tạo quai vùng cẳng tay)

+ Cuối cùng (6): mảnh ghép nhân tạo (graft) với nhiều nhược điểm: Giá thành cao, dễ nhiễm trùng, dễ thuyên tắc, thời gian sử dụng ngắn.

  1. Cấu trúc cơ bản của cầu nối AVF bao gồm:

– Động mạch đến (inflow artery): phần động mạch trước miệng nối.

– Động mạch đi (outflow artery): phần động mạch sau miệng nối

– Miệng nối (anastomosis): vị trí tạo ra sự thông thương trực tiếp giữa động mạch và tĩnh mạch

– Đoạn hiệu dụng (useable segment): đoạn tĩnh mạch sử dụng để cắm kim lọc máu

– Tĩnh mạch dẫn lưu ngoại biên (outflow vein): phần tĩnh mạch dẫn lưu ngay sau đoạn hiệu dụng, có thể có một hoặc nhiều kênh dẫn lưu.

– Tĩnh mạch dẫn lưu trung tâm (central venous return): phần tĩnh mạch dẫn lưu gần gốc chi, thường đề cập đến tĩnh mạch dưới đòn, tĩnh mạch cánh tay đầu, tĩnh mạch chủ trên.

 

Hình 3: Cấu trúc cơ bản của một cầu nối thông động tĩnh mạch AVF

 

Các bài viết liên quan

Bản quyền 2024 © thuộc về Bệnh Viện Thận Hà Nội