BỆNH VIỆN THẬN HÀ NỘI
BỆNH VIỆN THẬN HÀ NỘI
Chạy thận nhân tạo là bước điều trị quan trọng, giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Trước khi thực hiện lọc máu chạy thận, người bệnh sẽ được phẫu thuật tạo cầu nối động – tĩnh mạch (AVF). Tuy nhiên bản thân cầu nối AVF đã là một dạng tuần hoàn không bình thường nên vẫn có thể xảy ra một số bất thường trong quá trình điều trị, trong đó hẹp tắc cầu nối AVF là bệnh lý thường gặp nhất.
Lỗ rò động mạch (AV) là một kết nối bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch. Thông thường, máu chảy từ động mạch đến mao mạch đến tĩnh mạch. Các chất dinh dưỡng và oxy trong máu đi từ mao mạch đến các mô trong cơ thể. Với một lỗ rò động mạch, máu chảy trực tiếp từ động mạch vào tĩnh mạch, bỏ qua một số mao mạch. Các lỗ rò động mạch thường được phẫu thuật tạo ra để sử dụng trong lọc máu ở những người bị bệnh thận nặng.
Đối với bệnh nhân suy thận mạn tính ở giai đoạn cuối, trước khi tiến hành lọc thận nhân tạo, bệnh nhân bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật tạo cầu nối động – tĩnh mạch (AVF: Arteriovenous fistulation).
Cấu trúc cơ bản của cầu nối AVF bao gồm:
Phẫu thuật tạo cầu nối động – tĩnh mạch (AVF) được thực hiện trước khi bệnh nhân tiến hành lọc thận nhân tạo
Như đã đề cập ở trên, cầu nối AVF được hình thành bằng phẫu thuật tạo ra sự thông thương trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch. AVF không phải là một cấu trúc mạch máu có tuần hoàn “bình thường”, mà là một dạng tuần hoàn “bệnh lý”. Những vấn đề bất thường có thể xảy ra đối với cầu nối như hẹp cầu nối (stenosis), bất thường giải phẫu của đoạn hiệu dụng: bao gồm đường kính, độ sâu, độ xoắn vặn, chiều dài và giãn phình mạch (aneurysmal dilation), bất thường ở vị trí chọc kim, thông khổng lồ (khi lưu lượng dòng chảy qua cầu nối quá lớn, thường do đường kính của động mạch đến và đường kính miệng nối quá lớn). Trong đó hẹp tắc cầu nối AVF là bệnh lý thường gặp nhất.
Có nhiều loại cầu nối khác nhau và cùng một loại cầu nối thì cũng có nhiều hình thái hẹp khác nhau ở các vị trí khác nhau. Do vậy, cho đến hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa nào về hẹp cầu nối AVF được xác định rõ ràng, có thể bao quát cho toàn bộ các loại cầu nối. Định nghĩa được nhiều tác giả đồng ý đó là hẹp cầu nối là khi lưu lượng tuần hoàn qua cầu nối không đủ để hệ thống máy lọc máu hoạt động được đầy đủ, bình thường. Cụ thể là khi đường kính tuyệt đối nhỏ nhất trong lòng mạch <= 2.7mm ở bất cứ đoạn nào trừ đoạn hiệu dụng. Thông thường, chúng ta xác định một đoạn mạch hẹp hay không bằng cách so sánh đường kính tại vị trí cần khảo sát với đường kính lòng mạch các đoạn lân cận. Tuy nhiên, bản thân cầu nối AVF đã là không bình thường, sẽ có những đoạn giãn mạch, phình mạch trong quá trình sử dụng, do vậy cách tính thông thường như vậy đôi khi sẽ rất khó xác định được thế nào là hẹp cầu nối.
Nguyên nhân gây hẹp cầu nối AVF có thể do: quá sản nội mạc, xơ hóa thành mạch, xơ vữa thành mạch, huyết khối bám thành. Các nguyên nhân này có thể hình thành ở cả động mạch đến và tĩnh mạch dẫn lưu.
Nguyên nhân gây hẹp cầu nối AVF có thể do huyết khối bám thành
Khi một cầu nối bị hẹp tắc, không đảm bảo được chu trình lọc máu, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật tạo một cầu nối khác ở một vị trí khác. Tuy nhiên, việc tạo ra càng nhiều cầu nối AVF, sẽ tạo ra nhiều vòng tuần hoàn bệnh lý thì cơ thể người bệnh càng dễ bị tổn thương, càng phát sinh nhiều biến chứng, đặc biệt là đối với mô mềm. Vì vậy, sử dụng biện pháp để kéo dài tuổi thọ của cầu nối là một trong những quan điểm được chấp nhận rộng rãi hiện nay.
Bản quyền 2024 © thuộc về Bệnh Viện Thận Hà Nội