I. Đại cương:
- Phẫu thuật nội soi phục hồi thành bụng đặt tấm lưới điều trị bệnh lý thoát vị bẹn (TEP và TAPP), đều được cho là phẫu thuật nhẹ nhàng. Chính vì vậy mà chăm sóc hậu phẫu thực sự đơn giản không yêu cầu quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên có những nguyên tắc chung. Nếu thực hiện không đúng nguyên tắc có thể gây ra những hậu quả làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như kết quả phẫu thuật.
- Bản chất của kỹ thuật phục hồi thành bụng bằng tấm lưới nội soi là “gia cố” thành bụng bằng tấm lưới nhân tạo. Tấm lưới được đặt đúng vị trí sẽ gây phản ứng sinh học sẽ gây dính toàn bộ tổ chức thành bụng thành một khối vững chắc. Bức tường này sẽ thay thế thành bụng bị khiếm khuyết ngăn không cho tạng trong ổ bụng thoát ra ngoài. Do đó thoát vị bẹn được kiểm soát.
- Nguyên nhân của thoát vị bẹn là do áp lực trong ổ bụng tăng cao, đẩy các tạng thoát ra ngoài thông qua các khiếm khuyết của bụng hoặc do khuyết hổng thành bụng, thành bụng yếu tại ống bẹn. Chính vì vậy muốn phẫu thuật đạt được kết quả tốt cần hạn chế các nguyên nhân làm tăng áp lực đột ngột hoặc tăng áp lục trường diễn như: bí tiểu, táo bón, rối loạn hô hấp,…
Sau đây chúng tôi xin lưu ý những vấn đề chăm sóc hậu phẫu để bạn đọc theo dõi :
II. Hậu phẫu tại viện.
- Y lệnh:
- Rút sonde tiểu sớm.
- Dùng kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ và chống nhiễm khuẩn tấm lưới nội soi. Ưu tiên kháng sinh phổ rộng, tác dụng trên cả vi khuẩn gram âm và gram dương.
- Alphachoay chymotrypsin chống phù nề.
- Thay băng vết mổ hằng ngày.
- Chế độ dinh dưỡng:
- Chế độ ăn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Ăn các loại thức ăn mềm dễ tiêu như cháo sữa. Đặc biệt chú ý tránh các loại thức ăn dễ gây tình trạng táo bón.
- Ăn ngay sau phẫu thuật khoảng 3 – 6h.
- Chế độ vận động sinh hoạt:
- Sau khi phẫu thuật, khuyến khích bệnh nhân đi lại nhẹ nhàng.
- Không làm các công việc nặng phải gắng sức, mang vác vật nặng.
- Không nên tắm sau mổ 2 ngày, thay vào đó nên lau ướt người hoặc nếu tắm cần che kín các vị trí rạch da.
- Theo dõi:
Hình ảnh vận động sớm sau mổ thoát vị bẹn
- Phát hiện sớm tình trạng phù nề tụ dịch vùng mổ.
- Theo dõi phát hiện sớm vết mổ chảy dịch, sưng, nề đỏ nhiễm trùng.
- Phát hiện, điều trị sớm các rối loạn hô hấp, viêm nhiễm vùng họng (sau khi gây mê nội khí quản), dùng các thuốc giảm ho tránh tăng áp lực ổ bụng.
- Bệnh nhân nếu không đau hoặc ít đau có thể ra viện ngay trong ngày.
III. Hậu phẫu tại nhà.
- Đơn thuốc:
- Kháng sinh phổ rộng đường uống dự phòng nhiễm khuẩn.
- Chống phù nề.
- Giảm đau đường uống.
- Thay băng vết mổ hằng ngày kéo dài 1 tuần. Sau 7 ngày cắt chỉ vết khâu.
- Chế độ dinh dưỡng:
- Trở lại theo chế độ ăn cũ nhưng cần tăng thêm chất dinh dưỡng, đủ năng lượng và vitamin.
- Không ăn kiêng nếu không có chỉ định như: Tiểu đường, tăng huyết áp,…
- Tiếp tục sử dụng các loại thức ăn chứa chất xơ mềm, tránh tình trạng táo bón.
- Chế độ vận động sinh hoạt:
- Hạn chế vận động mạnh, gắng sức trong vòng 1 tháng.
- Sau 1 tháng bệnh nhân có thể hoạt động thể lực bình thường.
- Theo dõi:
- Bất kỳ có dấu hiệu bất thường: có khối vùng bẹn xuất hiện trở lại, vết mổ sưng nề, vùng mổ tụ dịch, sốt, đau bụng… bệnh nhân cần tái khám lại ngay.
- Tái khám sau 1 tháng.