Trang chủ / CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THAY THẾ THẬN Ở BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THAY THẾ THẬN Ở BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN

 

Thận là cơ quan bài tiết nước tiểu của cơ thể, qua nước tiểu sẽ đào thải các chất sinh ra trong quá trình chuyển hóa. Ngoài việc tạo nước tiểu và lọc bỏ chất thải, thận còn giúp cơ thể cân bằng nước và các chất điện giải, cân bằng axit – kiềm, điều hoà huyết áp, tạo yếu tố kích thích tạo hồng cầu…

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm dần dần chức năng thận và không có khả năng phục hồi. Khi chức năng thận bị suy giảm, thận sẽ giảm hoặc ngưng tạo nước tiểu, gây ra tình trạng ứ dịch trong cơ thể. Bên cạnh đó là sự ứ đọng các chất chuyển hóa, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể: các bệnh lý tim mạch, thiếu máu, rối loạn điện giải…

Suy thận mạn có 5 giai đoạn. Ở giai đoạn cuối, khi điều trị nội khoa đã không còn nhiều tác dụng, người bệnh sẽ được theo dõi kỹ để quyết định thời điểm điều trị thay thế thận. Hiện nay có 3 phương pháp điều trị thay thế thận: ghép thận, thận nhân tạo, lọc màng bụng.

  1. Ghép thận:

Ghép thận là việc lấy một quả thận còn tốt của người khỏe mạnh hoặc người đã bị chết não để ghép cho bệnh nhân suy thận mạn.

Người cho thận cùng huyết thống có tỷ lệ ghép thành công cao hơn so với thận không cùng huyết thống.

Sau khi ghép thận thành công, người bệnh suy thận mạn có thể sinh hoạt, lao động gần như bình thường, ăn uống không phải kiêng cữ nhiều như trước.

Tuy nhiên, vì nguồn thận rất hiếm và cần phải tương thích với bệnh nhân nên rất khó tìm người cho thận. Không phải bệnh nhân nào cũng có đủ sức khỏe để trải qua 1 cuộc đại phẫu ghép thận. Nguy cơ thải ghép sau ghép thận là điều khó tránh khỏi.

  1. Chạy thận nhân tạo:

Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu thông qua hoạt động của máy chạy thận. Máu được bơm từ cơ thể, qua màng lọc của máy, tại đây các chất thải và nước dư thừa sẽ được loại bỏ ra khỏi cơ thể, sau đó máu được bơm trở lại cơ thể.

                              Quy trình chạy thận nhân tạo

 

Để thực hiện được phương pháp này, tình trạng mạch máu của bệnh nhân phải tốt để có thể thực hiện phẫu thuật tạo cầu nối động-tĩnh mạch. Vị trí phẫu thuật thường là mạch máu ở cổ tay, khuỷu tay 2 bên.

Người bệnh suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần, mỗi lần chạy thận kéo dài 4 giờ. Phương pháp này đòi hỏi người bệnh phải tới trung tâm y tế thường xuyên, tại đây, nhân viên y tế là người trực tiếp tiến hành, theo dõi tiến trình chạy thận của bệnh nhân.

Chạy thận nhân tạo đòi hỏi người bệnh phải có chế độ ăn uống hạn chế, giới hạn lượng dịch nhập mỗi ngày, đặc biệt trong ngày không chạy thận bệnh nhân tăng trọng lượng càng nhiều thì nguy cơ tai biến trong cuộc chạy và nguy cơ tim mạch lâu dài càng lớn.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo có nguy cơ đối mặt với nhiều tai biến về tim mạch, thần kinh, xương khớp,… đặc biệt ở những người bệnh lọc máu lâu năm

  1. Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc):

Lọc màng bụng là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy, để lọc các chất chuyển hóa, nước, điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh và giúp cân bằng nội môi.

Lọc màng bụng là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, người bệnh có thể tự tiến hành tại nhà. Với việc lọc màng bụng liên tục, lượng dịch mỗi lần vào ổ bụng khoảng 1,5-2 lít. Sau khi ngâm dịch trong ổ bụng 3-4 giờ, dịch sẽ được tháo ra, sau đótiếp tục cho dịch mới vào. Chu kỳ được lặp lại trung bình 4 lần mỗi ngày, trong ổ bụng người bệnh luôn luôn có dịch lọc.

 

 

Để thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được phẫu thuật đặt ống thông (catheter) và được nhân viên y tế hướng dẫn tỉ mỉ cách tự lọc màng bụng. Khi đã thuần thục các kỹ năng cần thiết, bệnh nhân có thể về nhà tự thực hiện. Mỗi tháng bệnh nhân chỉ cần có mặt tại bệnh viện 1-2 lần để làm xét nghiệm, lấy thuốc, lấy dịch lọc. Do đó, phương pháp này rất thuận tiện đối với những người bệnh ở xa trung tâm y tế.

Với phương pháp lọc màng bụng, bệnh nhân không phải thực hiện chế độ ăn nghiêm ngặt như khi lọc máu bằng chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối việc giữ gìn vệ sinh để tránh xảy ra nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị này thích hợp đối với những bệnh nhân suy tim nặng, những bệnh nhân làm cầu nối động-tĩnh mạch khó khăn do tình trạng nhiễm trùng, bệnh nhân đái tháo đường.

Hiện tại, bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đang tiến hành điều trị thay thế thận bằng 2 phương pháp: chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng, với hơn 200 bệnh nhân đang điều trị ngoại trú.

Các bài viết liên quan

Bản quyền 2024 © thuộc về Bệnh Viện Thận Hà Nội